Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Chọn tích luỹ hay thói quen và kỉ luật?

Tập chạy về, tôi hay có thói quen là làm sạch và... đi ngủ. Giấc ngủ sâu sau buổi tập, thậm chí ngủ gần buổi tập nhất trong trạng thái cơ thể SẠCH và đầy đủ dinh dưỡng là cực kì quan trọng. Ngủ là biện pháp hồi phục hiệu quả nhất, hơn cả ăn hoặc uống thuốc.

Thường thì tôi nạp năng lượng là đồ ăn bình thường nhưng không quá no, ngày ít nhất 5-6 bữa (bữa trưa là no nhất) trong những thời gian chạy đều và nhiều, cảm giác đầu tiên của cơ thể khi thấy "sắp đói" là tôi phi đi ăn ngay không chờ đợi, nhưng được cái là tôi ăn rất nhẹ và chạy được luôn. "Sắp đói" với nhiều người là một trạng thái báo hiệu, nếu bác nào không quen việc vừa nạp vừa xả thì nên dừng chạy ngay vì nó là một tín hiệu năng lượng không đủ tiếp tục để duy trì trạng thái sung sức, khi nó xuống dưới mức sung sức là mức mệt mỏi hoặc kiệt quệ, sẽ lâu phục hồi và cực kì dễ chấn thương.

Kéo dài trạng thái xả năng lượng ở mức sung sức là một trong số các bài tập mà tôi đang theo, đi kèm bài tập đó là một bài tập phục hồi nhanh, cho đến nay, tôi có thể thực hiện được khoảng 4-5 lần trạng thái xả bắt đầu từ sung sức mỗi ngày, mỗi ca kéo dài khoảng 2-2.5 tiếng, cường độ trung bình. Năng lượng vận hành thất thường dẫn đến một tình trạng cơ thể thất thường và sức đề kháng yếu, càng tập luyện thất thường càng làm cơ thể dễ bị ốm hoặc chấn thương, hoặc đang tập đều, bất ngờ nghỉ (nghỉ tết chẳng hạn) rồi lại tập căng lại mà không khiến cho cơ thể kịp làm quen sẽ làm cho nó tạo phản ứng, đầu tiên là đau đớn, đó là dấu hiệu nguy hiểm.

Nếu giữ cường độ như cũ mà không giảm hoặc ngừng, nguy cơ chấn thương rất cao. Cũng cần phải biết rằng, chấn thương nhóm dây chằng, gân, xương thì nghiêm trọng hơn rất nhiều so với nhóm chấn thương cơ vận động. Đối với cơ, nếu bị chấn thương ví dụ đau nhức cơ, mỏi, ê ẩm, cách tốt hơn mà tôi thấy đúng với cá nhân tôi là: tiếp tục tập nhẹ cho nhóm cơ đó, ép cho cơ thể quen với việc vận động đó theo kiểu "vì đó là việc của mày".

Một trợ ngại nữa đó là cảm giác ngứa ngáy, thèm vận động, đó là một cảm giác có thật. Điều đáng nói là: khi nào thì cơ thể nên có "cảm giác" đó, tại sao tôi gọi là trợ ngại mà không phải là một lợi thế khiến cơ thể thích vận động. Đây là một trại nghiệm rất thú vị liên quan đến phục hồi. Khi cơ thể phục hồi đầy đủ, nó sẽ sinh ra cảm giác ngứa ngáy đó... nhưng làm thế nào để mới chỉ phục hồi 80-90% thôi là nó đã bắt đầu có cảm giác ngứa ngáy đó rồi, bạn cần "quan sát" trạng thái năng lượng của cơ thể. Có khi, lượng 10% còn lại đó cần đến vài ngày để hoàn toàn phục hồi, nhưng nếu đợi đến vài ngày đó mới "muốn" đi chạy, cơ thể bạn đang ngày càng lười biếng. Thay vào đó, "gần" phục hồi rồi, hãy bắt đầu vận động ngay. Cơ thể dần dần sẽ tự nó thích nghi với việc làm việc với mức sung sức chỉ khoảng 70-80% là đủ rồi.

Khi bị chấn thương, tôi không ngồi yên một chỗ, đợt leo núi Yên tử, bắp chân đau không nhấc nổi chân lên, tôi vẫn mặc kệ đi chạy, kết quả là 40km, chạy xong thì nó chuyển sang đau chỗ khác, và chỉ sau một hôm, tôi đạp xe từ Quảng Ninh trở lại Hà nội nhẹ nhàng, sau ca đạp, tôi chạy thêm 10km nữa.
Vì sao lại như vậy? Cơ thể có một thứ năng lực kì diệu thường bị lãng quên hoặc bị chủ nhân lười sử dụng đó là "sự thích nghi", nếu bị chấn thương tay, vẫn còn chân, nếu bị chân, còn có các bộ phận khác, nếu chỉ nằm yên một chỗ, nhờ cậy thuốc thang, nó sẽ ỉ lại, vết thương càng lâu lành, lúc này, tìm cách vận động cái khác, làm thế nào để lưu thông máu phải tăng lên zone 2 hoặc 3, lúc này, chỗ bị thương sẽ gián tiếp được tận hưởng "thành quả" của việc "đả thông" huyết mạch đó.

Tóm lại, điều quan trọng nhất, cơ thể không phải chỗ để tích luỹ, nó là nơi của các "thói quen" hoặc sự "kỉ luật". Bạn chạy được 42km hôm nay không có nghĩa là 2 tháng nữa, sức lực tích luỹ của bạn vẫn là 42km. Để duy trì được, bạn phải có một thói quen, khiến nó được dạy rằng, đó là một trong số những việc mà bạn làm theo một chu kì nhất định, ngay cả thời gian của chu kì, mình cũng có thể dạy nó được...

Nhớ share và +1 nhé